Hiện nay, các cơ quan Hải quan trên thế giới đang ngày càng chịu nhiều sức ép do vừa đảm bảo thu thuế, tạo thuận lợi thương mại, vừa bảo vệ xã hội và đảm bảo an toàn cộng đồng.
Để giải bài toán nói trên, nhiều cơ quan Hải quan đã tiến hành nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, kết nối mạng và nâng cao tốc độ xử lý của hệ thống CNTT. Đáp ứng yêu cầu nói trên, hệ thống CNTT và thủ tục cần phải được hội nhập với mạng lưới logistics toàn cầu, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp XNK.
Hệ thống CNTT cũng cần đảm bảo để các doanh nghiệp khai báo thông tin xuất nhập khẩu, quá cảnh của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua Cổng thông tin điện tử một cửa.
Tại nhiều quốc gia, thông thường có khoảng hơn 30 cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào việc xử lý và thông quan hàng hóa. Do đó, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu chỉ có tờ khai hải quan được xử lý bằng phương thức điện tử trong khi rất nhiều chứng từ khác vẫn phải nộp dưới dạng chứng từ giấy.
Theo đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ hải quan, trên cơ sở nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia (SW) và chuẩn hóa quy trình trao đổi thông tin, quy trình nghiệp vụ và tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan, Hải quan Hoàng gia Malaysia xây dựng và sẽ đưa vào vận hành Hệ thống Hải quan mọi lúc – mọi nơi – mọi phương tiện (gọi tắt là Hệ thống uCustoms). Hệ thống uCustoms sẽ được triển khai cuốn chiếu tại các đơn vị hải quan trong phạm vi toàn quốc.
Theo kế hoạch Hệ thống uCusstoms được chạy thử nghiệm trong năm 2016 và triển khai chính thức trong năm 2017.
Hải quan mọi lúc – mọi nơi – trên mọi phương tiện
UCustoms là Hệ thống CNTT cốt lõi, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc khai báo thông tin xuất nhập khẩu, quá cảnh, manifest, thực hiện thanh toán điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử.
Trong đó, chữ “U” là viết tắt của “Ubiquitous”, nghĩa là cho phép thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện.
Cụ thể, các cơ quan quản lý biên giới, các cơ quan của Chính phủ, cơ quan cấp phép và các doanh nghiệp tham gia dây chuyền cung ứng đều sử dụng Hệ thống uCustoms để thực hiện cấp phép bằng phương thức điện tử.
Cơ quan Hải quan quản lý Hệ thống uCustoms với 8 chức năng chủ yếu, gồm: Đăng ký và xử lý cấp phép, thông quan, kiểm toán và thực thi pháp luật, kiểm soát và phòng chống buôn lậu, thu thuế và kế toán, quản lý kho tri thức, quản lý hệ thống và công nghệ.
Bên cạnh đơn vị quản lý, vận hành hệ thống, 4 đơn vị sau được thành lập:
1. Trung tâm xác định trọng điểm quốc gia: Chịu trách nhiệm thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin nhận được từ máy soi và hệ thống camera để đưa ra quyết định các biện pháp khẩn cấp đối với thông quan hàng hóa.
2. Trung tâm thông quan quốc gia: Thực hiện thông quan 24/7, đánh giá tờ khai và thông quan đối với hàng hóa có rủi ro thấp, xử lý thông tin đối với các tờ khai có mức rủi ro trung bình và cao.
3. Khu vực kiểm tra hải quan: Là khu vực cho phép kiểm tra hàng hóa thông quan tại tất cả các cửa vào/ra và do Nhóm đặc trách liên ngành thực hiện (SIAT).
4. Trung tâm tham vấn hải quan: Có vai trò, chức năng như Bộ phận hỗ trợ (HelpDesk), chịu trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Tác động của Hệ thống uCustoms
Để xây dựng và phát triển Hệ thống uCustoms, trước hết cần thay đổi cơ bản tư duy trong việc tái thiết thiết quy trình thủ tục (BPR) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Hệ thống uCustoms đòi hỏi tuân thủ các chuẩn mực quốc tế của WCO. Do đó, cần đóng góp của rất nhiều các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, quá trình xây dựng Hệ thống uCustoms cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các thể chế tài chính nhằm tạo thuận lợi trong thực hiện thanh toán điện tử và triển khai các giải pháp tạo thuận lợi thương mại khác.
Một trong những nhân tố cực kỳ quan trọng đảm bảo xây dựng thành công Hệ thống uCustoms là thiết lập kênh thông tin thông suốt và nhanh chóng, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho tất cả các bên liên quan.
Cụ thể, một chiến dịch tuyên truyền đã được triển khai từ ngày 28/5/2014 tại Kuala Lumpur với sự tham dự của Tổng cục trưởng Hải quan Malaysia, ông Dato’ Sri Khazali bin Haji Ahmad. Ngay sau đó, các hoạt động tuyên truyền được thực hiện tại tất cả các bang Malaysia và kết thúc vào ngày 20/8/2014 tại Học viện Hải quan Hoàng gia Malaysia (AKMAL). Tổng cộng, 2.066 đại biểu đã tham dự buổi kết thúc chiến dịch tuyên truyền này.
Trong quá trình tuyên truyền, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan ngại về tác động của Hệ thống uCustoms đối với hoạt động của họ và liệu hệ thống mới này mang lại lợi ích cho họ hay không. Các đại biểu cũng bày tỏ quan tâm về thách thức mà Hải quan Hoàng gia Malaysia cần phải đối phó trong thời gian tới. Những quan ngại nói trên được phản ánh nhiều lần trong thời gian thực hiện chiến dịch tuyên truyền. Để đảm bảo những quan ngại nói trên được xử lý và trả lời một cách thỏa đáng, Hải quan Malaysia đã thành lập Nhóm làm việc về Hệ thống uCustoms để khảo sát, tổng hợp và trả lời các ý kiến, vướng mắc.
Tại đợt khảo sát, 1.352 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong đó có Hiệp hội giao nhận hàng không Malaysia đã được nghe trình bày về các chức năng của Hệ thống, khái niệm Cơ chế một cửa quốc gia, quản lý sự thay đổi, đào tạo. Sau đó, các đại biểu tiến hành thảo luận. Kết quả thảo luận cho thấy có 77% các ý kiến cho rằng Hệ thống uCustoms là rất hiệu quả, 82% ý kiến cho rằng rất quan trọng và 79% đại biểu cho biết sẽ ủng hộ thực hiện hệ thống này trong thời gian tới.
Mô hình dữ liệu WCO
Mô hình cơ sở dữ liệu WCO là tập hợp các chuẩn mực quốc tế về dữ liệu và thông tin liên quan đến quản lý biên giới của các cơ quan quản lý nhà nước. Mô hình này được xây dựng và phát triển trên cơ sở rà soát, đối chiếu với chuẩn mực, thông lệ quốc tế, phù hợp với quy định quốc gia và hoạt động của doanh nghiệp.
Đề xuất thay đổi của Mô hình dữ liệu WCO (DMR) được chuyển tới Nhóm dự án mô hình dữ liệu WCO (DMPT). DMR sẽ được trình bày và thảo luận tại phiên toàn thể của DMPT và sẽ được công bố, đưa vào mô hình dữ liệu nếu có ít nhất 2 thành viên WCO ủng hộ.
Tại cuộc họp của DMPT tổ chức tại trụ sở của WCO từ ngày 09 – 13/3/2015, các đại biểu của Hải quan Malaysia đã trình bày đề xuất dữ liệu hệ thống điện tử trước Nhóm DMPT. Theo đó, Nhóm làm việc về Hệ thống uCusstoms đã xác định có 106 đề xuất thay đổi Mô hình dữ liệu. Trong suốt phiên họp, Hải quan Malaysia đã trình bày 8 DMRs, 5 trong số đó đã được chấp thuận và kết quả là được đưa vào Gói mô hình dữ liệu WCO – dưới hình thức các Gói thông tin. Gói thông tin này sẽ được tất cả các quốc gia sử dụng nếu phê chuẩn Mô hình dữ liệu.
Định hướng triển khai trong thời gian tới
Hệ thống uCustoms được kỳ vọng là sẽ giúp nâng cao hiệu quả thông quan hàng hóa, giảm thời gian thông quan, cho phép thực hiện quản lý rủi ro trước khi hàng đến. Khoảng 80% tờ khai hải quan sẽ được thông quan ngay trên cơ sở kết quả phân tích rủi ro của Hệ thống quản lý rủi ro do Trung tâm xác định trọng điểm quốc gia thực hiện. Nhờ đó, nguồn lực sẽ được tập trung cho khâu kiểm tra sau thông quan. Để đảm bảo thay đổi nói trên, nguồn nhân lực được điều chỉnh lại để đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trước và sau khi trước khi hàng đến.
Nhờ thực hiện 100% hình thức thanh toán điện tử, Hệ thống uCustoms cũng sẽ thúc đẩy thông quan hàng hóa nhanh chóng. Tiện ích này được thực hiện thông qua Chương trình JOMPAY (Chương trình thanh toán quốc gia Hải quan được xây dựng, vận hành và giám sát bởi Ngân hàng Negara Malaysia – Ngân hàng Trung ương Malaysia) với sự tham gia của các ngân hàng trong nước và quốc tế hoạt động tại Malaysia.
Với việc Hệ thống uCustoms được triển khai, Malaysya kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể chi phí kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh của Malaysia.